Một trong những điều các mẹ quan tâm hàng đầu trong quá trình mang thai là chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng mang thai. Mỗi giai đoạn thai kỳ mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Vậy khi mang thai mẹ bầu nên ăn gì, chế độ dinh dưỡng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu
Khi mang thai nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng đều cao hơn so với mức bình thường. Để phát triển một số cơ quan của cơ thể nhằm thích ứng với quá trình mang thai, cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu khoa học.
Cân đối các nhóm chất dinh dưỡng:
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cần đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu: Chất bột đường (carbohydrate), Chất đạm (protein), Chất béo (lipid), Các loại Vitamin, chất xơ và khoáng chất.
- Tuy nhiên, việc xây dựng thực đơn cân đối các nhóm chất rất quan trọng để tránh thiếu năng lượng gây suy dinh dưỡng bào thai hay thừa năng lượng khiến mẹ tăng cân quá mức.
- Trong thai kỳ, mẹ bầu tăng trung bình khoảng từ 9 – 12 kg, trong đó tam cá nguyệt thứ nhất nên tăng từ 300 gram đến 1 kg, sau đó mỗi tuần sẽ tăng khoảng 300 gram trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
Bổ sung đầy đủ Vitamin và khoáng chất:
- Để thai nhi tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh, việc đảm bảo dinh dưỡng cho bà bầu vô cùng quan trọng, trong đó việc bổ sung Vitamin và khoáng chất là điều tiên quyết ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao trong suốt thai kỳ.
- Mẹ bầu cần bổ sung Acid Folic để phòng tránh các dị tật ống thần kinh cho trẻ, việc bổ sung này có thể kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ.
- Canxi không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn giúp hệ thống tuần hoàn, cơ bắp và thần kinh của mẹ bầu và thai nhi hoạt động bình thường, vì vậy mẹ bầu cần chú ý bổ sung Canxi mỗi ngày.
- Bổ sung các thực phẩm như cá hồi, sữa, nước cam,… để tăng cường Vitamin D cho chính bản thân và hỗ trợ cho sự phát triển xương của thai nhi. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu thiếu Vitamin D sẽ rất dễ dẫn đến tiền sản giật.
Bổ sung Protein:
- Protein cần thiết cho sự phát triển các mô và cơ quan của thai nhi, đặc biệt là não bộ; đồng thời hỗ trợ phát triển mô vú và tử cung của mẹ trong thai kỳ. Nó thậm chí còn đóng một vai trò quan trọng giúp tăng nguồn cung cấp máu cho thai nhi. Mẹ bầu nên bổ sung protein trong suốt thai kỳ để đảm bảo cho sự phát triển khoẻ mạnh của con.
- Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần cung cấp hơn 40mg Sắt/ngày để tăng lượng máu của mẹ, cung cấp đủ máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh.
Chế độ vận động:
- Ngoài chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, tập thể dục cũng là một phương thức quan trọng để tăng cường sức khỏe trong quá trình mang thai, tuy nhiên cần chú ý về thời lượng tập và tránh các động tác quá mạnh.
- Theo nhiều nghiên cứu y khoa, tập thể dục giúp mẹ và thai nhi khỏe mạnh, chống lại các bệnh như cảm lạnh…; đồng thời cũng giúp “vượt cạn” nhẹ nhàng hơn.
- Mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đi bộ từ 15 đến 20 phút/ngày tùy vào tình trạng sức khỏe của mình.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu)
Ở 3 tháng đầu của thai kỳ thường xảy ra tình trạng ốm nghén, cảm thấy khó chịu, thậm chí buồn nôn mỗi khi nhìn thấy thức ăn.
Nhưng vì đây là giai đoạn hầu hết các cơ quan quan trọng của phôi được hình thành, nên dù không ăn được nhiều, dinh dưỡng cho bà bầu vẫn cần đảm bảo đủ chất bằng cách ăn uống đa dạng thực phẩm, đặc biệt ăn nhiều rau xanh, trái cây,…
Nếu trước khi mang thai mẹ bầu chưa bổ sung Acid Folic thì từ ngày đầu tiên biết mình mang thai cần bổ sung ngay để giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Liều lượng khuyến cáo là 600mcg/ngày.
Bên cạnh đó, Sắt và Canxi cũng cần được tăng cường trong suốt 9 tháng mang thai nhằm tránh thiếu máu và loãng xương cho mẹ về sau.
Không chỉ trong 3 tháng đầu thai kỳ, đối với chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng mang thai các mẹ bầu cần kiêng sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất kích thích, hóa chất, và các loại virus gây bệnh để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Hơn nữa, để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé, các mẹ chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa)
3 tháng giữa thai kỳ có lẽ là khoảng thời gian dễ chịu nhất, bởi lẽ vào lúc này tình trạng ốm nghén gần như không còn, việc ăn uống cũng dễ chịu hơn.
Ở giai đoạn này, hệ xương, não bộ và các cơ quan chức năng khác của thai nhi đang dần được hoàn thiện, vậy nên vẫn cần rất chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho bà bầu.
Trong 3 tháng giữa thai kỳ, cần cần bổ sung các loại thực phẩm giàu Acid Folic, Sắt, Canxi, Kẽm như cua, tôm, trứng, sữa, các loại hải sản,…
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bà bầu cần đảm bảo cung cấp đủ 1.200 mg/ngày Canxi theo khuyến nghị. Đồng thời, cần tiếp tục bổ sung Sắt, Acid Folic hoặc các viên đa vi chất theo khuyến cáo.
Bên cạnh đó, mẹ không nên giữ quan điểm ăn cho 2 người mà ăn quá nhiều, bởi việc sẽ khiến mẹ tăng cân quá nhiều, tăng nguy cơ mắc tiểu đường, hay tiền sản giật cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình và tâm lý của mẹ sau khi sinh em bé. Mẹ chỉ nên tăng khẩu phần ăn lên khoảng 250 kcal/ ngày tương đương với một bát cơm và thức ăn.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối)
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là lúc đánh dấu bước phát triển vượt bậc về cân nặng của thai nhi. Để thai nhi tăng cân tốt, cần nạp vào mức năng lượng tăng thêm 450 kcal/ngày (trong đó đạm tăng 31g) so với bình thường.
Lúc này, mẹ bầu cần bổ sung Vitamin C, nhằm hấp thụ Sắt và Canxi tốt hơn, đồng thời tránh nguy cơ vỡ ối và sinh non (do thiếu Vitamin C).
Mẹ bầu cần bổ sung dưỡng chất với đa dạng các loại thực phẩm, ưu tiên nguồn thức ăn có hàm lượng đạm cao và có thêm chất béo như thịt, cá, trứng, sữa,… để giúp trẻ phát triển thể chất toàn diện.
Khẩu phần cũng cần cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, chất béo bão hòa (mỡ động vật, bơ, sữa,…) và không bão hòa (dầu thực vật, các loại cá béo, các loại hạt,…). Với các loại Vitamin, chất xơ và khoáng chất, mẹ bầu cũng cần đảm bảo bổ sung đầy đủ như những tháng trước đó.
Vào 3 tháng cuối, do sự thay đổi hormone và thai nhi lớn gây áp lực lên vùng chậu và bàng quang gây ra tình trạng đầy bụng, táo bón. Để hạn chế điều này, dinh dưỡng cho bà bầu cần bổ sung nhiều chất xơ và tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa.
Như vậy, trong hành trình 9 tháng mang thai, có những giai đoạn mà mẹ không cần tăng khẩu phần so với bình thường mà nên chú trọng đến nhóm chất bổ sung.
Ngoài ra, với những người có bệnh nền, người ăn chay,… thì chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cần “thiết kế” kỹ càng, chi tiết theo từng tuần để vừa đảm bảo sức khỏe cho mẹ, vừa giúp thai nhi phát triển tốt nhất.
Với những thông tin đã được chia sẻ ở trên các mẹ bầu có thể thấy chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng mang thai cực kỳ quan trọng để thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh cũng như đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân trong suốt thai kỳ.
Vì vậy, hãy chú ý bổ sung dinh dưỡng đúng cách để bé yêu phát triển một cách toàn diện nhất mẹ nhé. Việc bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu đúng cách không chỉ đảm bảo cho sức khỏe của mẹ mà còn giúp thai nhi phát triển an toàn. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích cho những năm tháng mang thai.
Nếu bạn có bất kì thắc mắc gì về các vấn đề về sức khỏe mang thai, hãy gọi ngay đến tổng đài miễn cước 1800.64.68.66 để được các Dược sĩ hỗ trợ tư vấn.